Kinh doanh đa cấp ở Việt Nam vẫn thường bị xem như là “lừa đảo”. Bỏ qua các tranh cãi về tốt xấu, có nhiều điều hay trong cách vận hành của họ mà các chủ cửa hàng có thể học và áp dụng cho shop của mình. Dưới đây là những bài học điển hình:
Bài học số 1: Tạo động lực cho nhân viên bán hàng
Thử hỏi một câu hỏi đơn giản nhé! Dù bị gắn mác lừa đảo nhưng nhiều người vẫn muốn tham gia vào hệ thống kinh doanh đa cấp, lý do vì sao? Đơn giản là vì họ được “gãi đúng chỗ ngứa” và cảm thấy “có lợi” khi tham gia vào hệ thống.
Mọi nhân viên khi bước vào kinh doanh đa cấp đều được tạo động lực với một chế độ lương thưởng, hoa hồng, cấp bậc và quyền lợi… hấp dẫn. Bất cứ nhân viên bán hàng nào cũng đều có cơ hội thăng tiến, miễn sao họ có năng lực (hay nói cách khác là bán được hàng).
Đó cũng là điều đầu tiên các nhà bán lẻ nên học hỏi từ kinh doanh đa cấp. Là chủ cửa hàng, doanh nghiệp bạn cần đối xử công bằng với mọi nhân viên, luôn tạo động lực cho nhân viên và cho họ cơ hội thăng tiến trong công việc. Hãy luôn nhớ rằng, nhân lực là một trong những yếu tố cốt lõi giúp cho doanh nghiệp tồn tại.
Bài học số 2: Cho khách hàng thấy giá trị họ nhận được
Kinh doanh đa cấp liệu có thể tồn tại nếu sản phẩm không thật sự tốt? Dù là bán lẻ hay bán hàng đa cấp, sản phẩm luôn đóng vai trò quan trọng. Ừ thì bạn bán được hàng cho khách đấy, nhưng liệu rằng họ có quay lại nếu như sản phẩm không tốt như những gì bạn quảng cáo. Hay là họ sẽ đi bêu rếu, nói xấu thương hiệu của bạn. Một người “kinh doanh đa cấp chính thống” cần phải có cái tâm. Bán hàng đa cấp bị gắn mác lừa đảo chủ yếu cũng vì nhân viên bán hàng không có tâm, “tân bốc” quá mức giá trị thực tế sản phẩm, tìm mọi cách để bán được hàng… mà không nghĩ đến lợi ích của khách hàng.
Muốn kinh doanh bền vững, chủ cửa hàng phải luôn đặt lợi ích khách hàng lên hàng đầu, cho khách hàng thấy những giá trị mà họ có thể nhận được từ bạn. Khi đó họ mới tin tưởng và quay trở lại cửa hàng.
Bài học số 3: Truyền miệng là công cụ marketing cốt lõi
Đối với kinh doanh đa cấp, khách hàng cũng có thể là nhân viên bán hàng và ngược lại. Ông A mua hàng dùng tốt giới thiệu cho bà B, bà B lại tiếp tục giới thiệu cho cô C, cứ thế sản phẩm ngày càng được quảng bá rộng rải đến người dùng. Không những vậy khách hàng còn có thể trở thành một nhân viên bán hàng và được nhận hoa hồng như bao nhân viên khác khiến họ có thêm động lực để quảng cáo sản phẩm.
Truyền miệng luôn là công cụ marketing đáng giá nhất trong giới bán lẻ. Dù bạn có quảng cáo thế nào đi chăng nữa, chưa chắc khách hàng đã tin. Nhưng nếu một khách hàng đi giới thiệu sản phẩm của bạn với người khác thì hiệu quả lại cao hơn rất nhiều. Vậy nên, nếu bạn muốn tăng doanh số thì đừng bỏ qua việc khuyến khích khách hàng quảng cáo cho sản phẩm của mình nhé.