Dân số Việt Nam tính đến năm 2018 vào khoảng 95 triệu người, từ đó thấy được nhu cầu của thị trường bán lẻ rất dồi dào. Có thể nói, thị trường bán lẻ Việt Nam đang là “miếng bánh béo bở” hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt là sự đầu tư ồ ạt của các tập đoàn nước ngoài, điều này tác động lớn đến nhà phân phối bán lẻ trong nước. Với sự thâm nhập mạnh mẽ này, cùng lợi thế “cộp mác” nước ngoài thì các doanh nghiệp bán lẻ ngoại quốc dễ thu hút sự quan tâm và tin tưởng của người tiêu dùng hơn.
Như vậy thì liệu các doanh nghiệp bán lẻ trong nước có thể trụ vững trên sân chơi của chính mình? Đó là lý do vì sao các công ty bán lẻ có quy mô nhỏ trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn về cạnh tranh. Thế nên 9 lời khuyên từ các chuyên gia bán lẻ hàng đầu dưới đây sẽ giúp ích trong việc tăng doanh thu cho cửa hàng của bạn.
1. Cung cấp cho khách hàng của bạn nhiều hơn điều họ yêu cầu:
“Tôi khuyên bạn nên xây dựng lòng trung thành của khách hàng bằng cách thực hiện nhiều hơn những gì khách hàng của bạn muốn. Bằng cách kết hợp dữ liệu thu thập được từ các điểm bán hàng cùng với phản hồi từ khách hàng thông qua các cuộc thăm dò, bạn có thể tìm ra được và bổ sung các sản phẩm mới mà khách hàng trung thành của bạn cũng có thể muốn mua.”
– Chris Guillot – người sáng lập ra Merchant Method và nhà thiết kế của The Merchant Map. Đây là công ty giúp tạo ra đặc điểm nhận diện thương hiệu cho các doanh nghiệp dựa trên sản phẩm của họ. Cô hiện đang được xem là chuyên gia bán lẻ mới và gương mặt blogger quen thuộc của những trang TMĐT lớn như Shopify, Vend và Big Cartel. Đồng thời cô cũng đang là nhà tư vấn và đào tạo cho nhiều doanh nghiệp hiện nay.
2. Đa dạng hóa các dịch vụ của bạn:
“Để tăng doanh thu cho cửa hàng, các nhà bán lẻ nên đa dạng hóa dịch vụ của họ. Mở rộng danh mục hàng hóa của bạn, cung cấp thêm tiện ích, ưu đãi mới như quà tặng hay mua hàng giảm giá. Tổ chức các sự kiện, hội thảo để quảng bá hơn. Từ đó tạo ra cơ hội và lý do để người mua sắm tương tác nhiều hơn và thường xuyên hơn với thương hiệu của bạn.”
– Meaghan Brophy – giám đốc biên tập cho Sumner Communications, công ty mẹ của Independent Retailer và The Merchandiser Group. Cả 2 công ty này đều là những tạp chí lớn hàng đầu chuyên viết về các chủ đề bao gồm tin tức công nghiệp, tiếp thị, bán hàng, quản lý, sản phẩm, triển lãm thương mại. Ngoài thời gian công tác tại Sumner Communications, Meaghan còn giữ vai trò quản lý kinh doanh và bán lẻ. Thông qua các vị trí này, cô đã đạt được nhiều kinh nghiệm trong bán hàng, đào tạo nhân viên, nguồn nhân lực, dịch vụ khách hàng và lãnh đạo.
3. Nắm bắt và hiểu rõ hành vi, thói quen mua sắm của khách hàng:
“Cũng như tôi khi muốn đưa ra lời khuyên hữu ích nhất cho một nhà bán lẻ nào đó, nếu không biết được hoàn cảnh cụ thể của họ thì thật khó để đưa ra lời khuyên được. Vì vậy, tôi muốn nói điều cần nhất mà bất kỳ thương hiệu nào cũng phải làm đó là hiểu tâm lý, hành vi và thói quen của khách hàng. Từ đó phân tích cơ hội để loại bỏ các chướng ngại vật và tìm cách rút ngắn khoảng cách, tạo sự chú ý, thu hút của khách hàng trên con đường dẫn họ đến việc mua hàng của bạn.”
– Steve Dennis, Chủ tịch & Nhà sáng lập tại SageBerry Consulting, LLC. Trước khi thành lập SageBerry, ông là giám đốc chiến lược chính và là người đứng đầu tiếp thị đa kênh cho tập đoàn Neiman Marcus. Công việc của ông là một cố vấn chiến lược, diễn giả về đổi mới bán lẻ trong tương lai. Ông là người làm việc với các doanh nghiệp để đưa ra các chiến lược tăng trưởng hấp dẫn cho thương hiệu bán lẻ từ bình dân đến cao cấp. Steve Dennis cũng là một người đóng góp cho tạp chí Forbes lừng danh và đã được ghi nhận là một trong những người ảnh hưởng hàng đầu đến ngành công nghiệp bán lẻ toàn cầu.
4. Bắt đầu với dữ liệu và thông tin trọng tâm:
“Có một số cách mà các nhà bán lẻ có thể tăng doanh thu. Họ có thể mở các kênh bán hàng mới, đa dạng hóa các dòng sản phẩm và tăng cường tiếp thị. Nhưng thứ đầu tiên để bắt đầu là phải làm việc với các dữ liệu và thông tin chi tiết, đúng trọng tâm. Xác định doanh thu đến từ đâu bằng cách phân tích các báo cáo bán hàng, nhập hàng, tồn kho và hành vi mua sắm của khách hàng trên tất cả các kênh bán lẻ.
Sau đó, xác định các điểm bán hàng có cơ hội phát triển trong tương lai và đầu tư để tạo ra hiệu quả và tăng trưởng doanh thu cho việc bán lẻ hiện tại. Nhưng cũng đừng quá hấp tấp, vội vàng phát triển các chiến lược và kế hoạch một cách tràn lan mà cần kiểm tra và tối ưu hóa các cơ hội đó trước khi bạn quyết định đầu tư hoàn toàn vào chúng.”
– Mallory A. Russell, Trưởng nhóm biên tập tại Square. Trước đó cô là phó chủ tịch cấp cao về chiến lược và tiếp thị đa kênh cho tập đoàn Neiman Marcus. Russell đã có kinh nghiệm gần 30 năm trong ngành bán lẻ. Những bài diễn thuyết, bài viết và bình luận của cô về tương lai ngành bán lẻ thường xuyên được xuất hiện trên báo chí.
5. Tìm một nhà tư vấn đáng tin cậy:
“Thay vì tự trao đổi với nhau để đưa ra các chiến lược cụ thể thì khuyến nghị tốt nhất của tôi là tìm một nhà tư vấn, một chuyên gia trong ngành cho doanh nghiệp của bạn. Chẳng hạn như một chuyên gia hoạch định tài chính với kinh nghiệm nhiều năm có thể vạch ra cho bạn chiến lược về đòn bẩy giúp doanh nghiệp tăng doanh thu tổng thể, tăng khả năng sinh lời và kiểm soát dòng tiền. Mẹo nhỏ cho bạn là để tìm được một nhà tư vấn, chuyên gia thực sự thì bạn có thể thử tham khảo các khách hàng (doanh nghiệp) bán lẻ đã từng thành công khi nghe theo chuyên gia đó.”
– Nick Houldsworth, Tổng Giám đốc Hệ sinh thái tại Xero. Trước đây ông là CMO tại Vend và là người đóng góp vào việc sử dụng công nghệ để biến đổi thương mại hiện đại. Đồng thời tạo cơ hội cho các quốc gia công nghiệp như New Zealand xuất khẩu các mặt hàng doanh nghiệp có giá trị cao ra thế giới.
6. Tận dụng mạng truyền thông xã hội:
“Theo kinh nghiệm của tôi, rất ít nhà bán lẻ khai thác phương tiện truyền thông xã hội một cách đầy đủ nhất. Một cách đơn giản và dễ dàng để quảng bá một hay nhiều cửa hàng của bạn là sử dụng kết hợp Instagram (hình ảnh), Facebook (cộng đồng) và Twitter (tương tác). Để triển khai, bạn nên tìm cách tham gia sử dụng các nhiều kênh mạng xã hội càng tốt, ví dụ dùng Twitter để quảng bá cửa hàng của bạn. Đặc biệt nếu cửa hàng bạn có bất kỳ sự kiện, chương trình khuyến mãi,… thì bạn nên khuyến khích nhân viên cửa hàng chia sẻ (hay livestream) trực tiếp từ trang Twitter của cửa hàng để thông báo cho khách hàng.”
– Andrew Busby, Người sáng lập & Giám đốc điều hành tại Retail Reflections. Đứng thứ 11 trong Top 100 người có ảnh hưởng đến ngành bán lẻ toàn cầu do Vend bình chọn. Retail Reflections là công ty chuyên về tư vấn cho ngành bán lẻ, cung cấp những nội dung hiểu biết và quan điểm thực tế cho khách hàng để họ triển khai. Andrew Busby cũng là cây bút quen thuộc cho các ấn phẩm về ngành bán lẻ tại một số tờ tạp chí nổi tiếng. Ông cũng là người viết bài cho cho tạp chí công nghệ về nội dung tiếp thị bán lẻ kỹ thuật số IBM trong chương trình IBM Futurist.
7. Hãy chú ý đến các chi phí liên quan đến chiến lược tăng doanh thu:
“Doanh thu thì luôn cần phải tăng trưởng, dù là ngắn hạn hay dài hạn. Tuy nhiên, khi đưa ra các chiến lược nhằm giúp tăng doanh thu cho cửa hàng của bạn, chẳng hạn như đẩy hàng hóa, tăng thêm nhân sự, đưa ra khuyến mãi và tiếp thị quảng cáo,…thì hãy thận trọng vì các sáng kiến này đều có chi phí và nó cần phải được tính vào giá trị doanh thu của bạn trước khi được áp dụng.”
– David Kindl, Giám đốc chiến lược của tập đoàn Doctor Retail. Ông có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực cho thuê tài sản và bán lẻ tại Úc, với các công ty có tiếng như Lend Lease và Noni B. Ngoài ra David cũng là Chủ tịch Hội đồng tư vấn RDG.
8. Hãy là một chuyên gia:
“Người tiêu dùng theo thời gian sẽ ngày càng có nhiều kỳ vọng lớn hơn vào các sản phẩm, dịch vụ đang sử dụng. Điều đó làm cho thị trường bán lẻ trở thành một nơi khắc nghiệt, buộc phải đào thải những doanh nghiệp không tăng cường sự cạnh tranh theo những nhu cầu thay đổi của người tiêu dùng. Khách hàng của chúng ta đang ngày càng tìm kiếm các thương hiệu mà họ tin tưởng và có giá trị, chứa đựng những lý tưởng hiện đại. Đồng thời vừa cung cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ tốt nhất và truyền tải thông điệp nhất quán.
Đối với các nhà bán lẻ, điều đó đồng nghĩa với việc bạn cần phải đầu tư thời gian và nguồn lực của bạn để trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực mà bạn đang kinh doanh. Trở thành những người có thể cung cấp kiến thức chuyên môn và tư vấn mọi lúc mọi nơi cho khách hàng của bạn. Bằng cách trở thành một bậc thầy trong việc cung cấp các giải pháp cho nhu cầu của khách hàng, thay vì cố gắng bắt chước theo số đông điều mà những doanh nghiệp khác đang làm, doanh nghiệp của bạn sẽ ở vị trí phát triển tốt nhất.”
– Dominique Lamb, Giám đốc điều hành tại Hiệp hội bán lẻ quốc gia và là Giám đốc NRA Legal. Cô là người có nhiều kinh nghiệm về việc tạo dựng các mối quan hệ giữa các nhà doanh nghiệp. Dominique đóng một vai trò quan trọng, không thể thiếu trong việc liên kết các doanh nghiệp bán lẻ cả lớn và nhỏ về tất cả các lĩnh vực có ảnh hưởng với nhau.
9. Xây dựng chương trình khách hàng trung thành:
“Thúc đẩy phát triển như thế nào để không ảnh hưởng đến lợi ích của khách hàng. Chúng ta ai cũng hiểu rõ mất ít thời gian, công sức và tiền bạc để giữ chân một khách hàng hiện tại hơn so với tìm kiếm một khách hàng mới. Nhưng có một cách đáp ứng được cả hai điều này. Các doanh nghiệp ngày nay có thể vừa giữ chân được khách hàng hiện tại vừa kiếm thêm được khách hàng mới. Bằng giải pháp khách hàng giới thiệu khách hàng. Theo cách đó, thương hiệu của bạn vừa được quảng bá rộng rãi vừa giúp tăng trưởng doanh thu.
Chắc chắn là bạn phải đưa ra phần thưởng hấp dẫn, giá trị cho các chương trình như thế này. Có thể là mã giảm giá, khuyến mãi cho những lần mua hàng tiếp theo đối với khách hàng hiện tại vừa giới thiệu được một khách hàng mới thành công. Đồng thời khách hàng mới cũng được nhận mã giảm giá trong lần mua sắm đầu tiên. Làm như vậy, bạn vừa có thêm được khách hàng mới vừa khuyến khích họ sử dụng mã giảm giá để mua hàng thường xuyên hơn trên các kênh bán hàng tại cửa hàng và trực tuyến.”
– Christina O’Berto, Giám đốc tiếp thị kênh cao cấp của Worldpay. Cô là chuyên gia trong lĩnh vực tiếp thị theo hướng thu thập và phân tích dữ liệu, với kinh nghiệm đa ngành nghề. Christina thường xuyên tạo ra các chiến lược thực thi phù hợp với mục tiêu của các công ty khách hàng, phân phối các chiến dịch nền tảng, phân tích dữ liệu và triển khai nhằm thúc đẩy tăng trưởng.
Theo thống kê của Bộ Công thương, hiện nay Việt Nam đang có hơn 1,4 triệu cửa hàng bán lẻ. Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng luôn cao gấp 1,5-2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng thời kỳ. Trong đó, Việt Nam đã và vẫn đang là một trong những thị trường bán lẻ nổi bật ở Châu Á với tốc độ tăng trưởng khoảng 89%/năm. Vì thế mà các doanh nghiệp, chủ cửa hàng hay chuỗi bán lẻ ở nước ta vẫn còn khá nhiều cơ hội để phát triển trong ngành này, quan trọng là chúng ta có biết cách thực hiện hay không!
Xem thêm: