Khi bắt đầu kinh doanh, dù là ngành nghề lĩnh vực nào thì một trong những việc quan trọng đầu tiên phải làm chính là đặt tên shop. Tất nhiên, bất kỳ chủ shop nào cũng muốn đặt được một cái tên vừa hay vừa ý nghĩa, độc đáo (ít nhất là đối với họ).
Nhưng quan trọng nhất, cần đặt tên shop sao để tạo ấn tượng, giúp thu hút khách hàng và in sâu dấn ấn thương hiệu vào trong tâm trí người dùng. Đồng thời phải biết cách đặt tên shop để giúp bạn có thể xây dựng thương hiệu và phát triển, mở rộng kinh doanh cả về sau này. Do đó, hãy cùng SUNO khám phá các cách đặt tên shop độc đáo, ấn tượng và ý nghĩa nhé!
1. Cách đặt tên shop theo tên cá nhân hay biệt danh:
Nếu bạn không muốn mất nhiều thời gian suy nghĩ cho việc đặt tên shop mà vẫn muốn tên shop độc, lạ và mang dấu ấn riêng của cá nhân thì việc sử dụng ngay tên cá nhân của bạn để đặt tên cho shop, cửa hàng chính là cách đơn giản nhất. Ví dụ như Nguyễn Kim, Trần Anh, Nhật Cường mobile, Bé Mập, Hùng Trọc, Quý Ròm,… hoặc ghép tên bạn với tiếng nước ngoài để có một tên cửa hàng sang chảnh hơn như Cường Dollar, Hùng Paris, Mạnh London…
Còn nếu bạn không dùng được hoặc không muốn dùng tên thật của mình thì việc sử dụng những cái tên Hán Việt đầy ý nghĩa như Mộc Miên (mộc mạc, thanh cao) hay An Nhiên (yên bình, may mắn), Túc Mạch (ấm no, sung túc)… cũng sẽ khiến cho cửa hàng của bạn như được mang một làn gió nhẹ nhàng và ấn tượng, làm cho khách hàng sẽ ấn tượng và nhớ đến nhiều hơn.
2. Đặt tên shop theo ngành hàng, theo đặc tính nổi bật của sản phẩm kinh doanh:
Đây là cách đặt tên shop, cửa hàng một cách truyền thống và phổ biến nhất. Khi không có ý tưởng nào đặc biệt thì hầu hết mọi người đều thực hiện theo nguyên tắc này. Cách đặt tên shop này có ưu điểm là khách hàng biết luôn được cửa hàng bạn bán hàng gì, có phải là sản phẩm họ cần hay không. Ví dụ: Siêu Thị nội thất Quang Tèo, shop mỹ phẩm Xixon, shop quần áo xuất khẩu, shop điện thoại xách tay, shop đồ gia dụng Nhật Bản…
Như vậy chỉ cần nhắc đến tên cửa hàng của bạn là khách hàng có thể biết bạn đang kinh doanh mặt hàng nào. Tuy nhiên, nhược điểm của việc đặt tên này là không tạo nên sự khác biệt, khách hàng khó nhớ đến cửa hàng của bạn nếu không có thiết kế nhận diện thương hiệu nổi bật. Cách này chỉ giúp khách hàng nhận diện mặt hàng kinh doanh của bạn tốt hơn, thích hợp với các cửa hàng có mặt bằng kinh doanh rộng lớn, nhiều người qua lại cửa hàng.
3. Đặt tên cửa hàng theo địa phương, địa danh, địa chỉ:
Có rất nhiều chủ cửa hàng lấy luôn địa chỉ mặt bằng để đặt tên cho của hàng của mình. Đó là một cách hay để khách hàng nhớ luôn cả tên và địa chỉ mua hàng. Tuy nhiên cách này chỉ áp dụng với các shop, cửa hàng có địa chỉ đẹp, độc đáo và dễ nhớ kiểu như số nhà 99, 111, 88, 100,… ví dụ như Giày 99, Giày 68,… Hoặc bạn là công ty, doanh nghiệp quy mô lớn thì trụ sở đặt ở đâu, bạn có thể lấy tên địa danh đó ghép vào tên thương hiệu. Ví dụ như: Nhà đất Thủ đô, Bia Sài Gòn, Phân lân Sông Thao,…
Nếu bạn đang kinh doanh đặc sản, hãy lấy tên địa phương của món đặc sản đó làm tên cửa hàng. Ví dụ: Cà phê Buôn Ma Thuột, Nem chua Thanh Hóa, Bánh cuốn Thanh Trì, Vịt cỏ Vân Đình, Phở khô Gia Lai,… Cách đặt tên shop, cửa hàng theo địa phương, địa danh này rất tiện lợi, không cần phải suy nghĩ nhiều. Thậm chí bạn cũng có thể ghép tên các quốc gia vào tên cửa hàng của mình để thể hiện nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa nhập về, đặc biệt là với các bạn đang kinh doanh hàng xách tay. Ví dụ như: Hàng Gia Dụng Việt Đức, Shop Mẹ & Bé Việt Nhật, Mỹ phẩm chính hãng USA,…
4. Đặt tên shop theo đặc điểm nổi bật của cửa hàng, hoặc theo quy mô shop:
Với những cửa hàng có đặc điểm nổi bật về vị trí, về phong cảnh xung quanh thì hãy sử dụng phương pháp đặt tên này. Ví dụ như: Cà phê Mũi Tàu, Quán ăn Bờ Kè, Lẩu dê Ngã Bảy,… Cách đặt tên theo đặc điểm nổi bật của cửa hàng giúp tạo được sự gần gũi, bình dân, vừa mang tính gợi nhớ. Ngoài ra, bạn cũng có thể đặt tên shop theo quy mô, tuy nhiên chỉ nên áp dụng khi bạn có quy mô lớn, sản phẩm đa dạng thì nó mới tạo sự thu hút và nâng tầm cửa hàng cửa bạn. Ví dụ như Thế giới di động, Thế giới đồ da, Vua đồ chơi, Siêu thị gia dụng,… Còn nếu bạn đang kinh doanh nhỏ lẻ thì không nên áp dụng theo cách đặt tên này.
5. Đặt tên shop bằng tiếng nước ngoài:
Cách đặt tên shop, thương hiệu bằng tiếng nước ngoài hiện đang là xu hướng được ưu chuộng Việt Nam, đặc biệt những bạn trẻ khởi nghiệp rất ưa chuộng phương thức này. Vừa giúp tên cửa hiệu bạn không trùng lặp hay nhầm lẫn, lại nghe rất sang chảnh, thu hút khách hàng hơn. Bạn có thể thấy việc đặt tên shop quần áo hay mỹ phẩm online hiện nay đa số đều dùng cách này.
Đặc biệt khi kinh doanh quần áo hay giày dép thời trang. Nếu kinh doanh sản phẩm cho nam giới, bạn có thể đặt một số tên shop đậm chất nam tính như Adam Store, X-Men, Men World, Menly Shop còn nếu đặt tên shop hướng tới đối tượng khách hàng là phái đẹp thì có một số cái tên bạn có thể lựa chọn như I’m A Girl, Venus, Lady’s House, Sweet Dream hay She’s Beautiful, Girl Boutique,…
Ngoài tiếng Anh thì bạn có thể đặt tên theo một số nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp hay Tây Ban Nha tùy theo mặt hàng mà cửa hàng bạn đang kinh doanh chủ yếu hoặc bạn cảm thấy cái tên đó ấn tượng. Ví dụ như Oppa Shop (Tiếng Hàn Quốc), Zara, Mango (Tiếng Tây Ban Nha), Hikaru, Sakura (Tiếng Nhật Bản).
6. Đặt tên thương hiệu theo các danh từ, tính từ gợi nhắc:
Ngoài các cách đặt tên shop trên thì bạn có thể đặt tên gợi sự liên tưởng đến sản phẩm bằng cách danh từ gợi nhắc. Chẳng hạn bạn đang kinh doanh gas, bếp gas thì bạn có thể đặt tên shop là Ngọn Lửa, kinh doanh sản phẩm làm đẹp thì có thể đặt tên shop là Mặt Hoa Da Phấn. Cách đặt tên theo sự liên tưởng này đòi hỏi chủ cửa hàng phải là người thông minh, tinh tế mới có thể có một cái tên hay và thực sự ấn tượng vừa độc đáo lại mang đậm dấu ấn thương hiệu của bạn.
Trên thực tế khảo sát cho thấy cách đặt tên theo các tính từ cũng được sử dụng khá nhiều. Bạn có thể chọn các tính từ gợi lên sự may mắn, phát tài để đặt tên cho shop, cửa hàng của mình như Bất Động Sản Thịnh Phát, Tài Lộc,… Hoặc gợi sự tin tưởng như Nhà đất Đại Tín, Bảo hiểm Bảo Việt,… Triết lý kinh doanh Hiệp Phát, Hòa Bình,… Hay gợi khát vọng tương lai như Tiền Phong, Tiên Phong, Thắp Sáng…
7. Đặt tên shop dễ thương theo tên các loại thú cưng:
Với các cửa hàng thiên về thời trang hay có khách hàng mục tiêu ở độ tuổi vị thành niên thì các chủ shop có thể đặt các tên dễ thương, độc đáo của các thú cưng thu hút các khách hàng này. Một số ví dụ về tên này như: Bin Bon, Dog Shop, Thỏ Tây, Miu Miu, Red Cat, Black Cat, PetXinh, Mèo lười, Gấu, Miu xinh, Miu Shop, Thỏ Con, Gấu Trắng, Boo Shop hay Vện,… Đây là các gợi ý tên shop rất độc đáo và thích hợp nếu như bạn muốn đặt tên shop theo tên của các thú cưng mà mình yêu thích.
8. Đặt tên shop theo kiểu độc, lạ hoặc chỉ sử dụng một từ:
Bạn có thể lựa chọn thêm một cách đặt tên shop, đó là đặt theo kiểu độc đáo và mới lạ. Ví dụ như I’m a girl, Đẹp 24/7, Váy xinh, Mê giày, Xóm Giày, Thiên đường áo đôi, Đẹp từng Centimet, Mê giày, Góc của Pao, Nàng Gốm, Suri, Giày Xấu Giá Cao… Đặt tên theo phong cách độc đáo này không chỉ tạo ấn tượng và sự thu hút đối với khách hàng mà còn giúp khách hàng ghi nhớ tên shop của bạn lâu hơn, nhận diện thương hiệu shop hiệu quả hơn. Đặc biệt với các shop kinh doanh online thì tên cửa hàng càng ấn tượng càng tốt.
Nếu muốn tạo sự độc đáo và ấn tượng, dễ nhớ mà lại rất ngắn gọn, tạo nên sự tò mò với người nghe thì bạn có thể chọn cách đặt tên chỉ sử dụng một từ duy nhất. Ví dụ như Mưa, Mây, Chảnh, Lily, Yumi, Boo, Bi, YOLO, Méo…. Việc sử dụng tên shop một từ vừa ngắn gọn, độc đáo, thậm chí khiến khách hàng tò mò và ghi nhớ lâu. Tuy nhiên dù chỉ có một từ nhưng nó cũng nên có ý nghĩa nào đó. Ví dụ như tên shop của nữ nghệ sĩ Chi Pu là GOM trong tiếng Hàn Quốc tức là Gấu, một nickname khá đáng yêu của Chi Pu. Hay tên shop là YOLO tức là You only live once (Bạn chỉ sống một lần duy nhất) hoặc YAME là viết tắt của You are my everything (Bạn là tất cả của tôi).
9. Đặt tên cửa hàng hợp tuổi theo phong thủy:
Để đem đến tài vượng cho cửa hàng thì hầu hết các chủ cửa hàng quan tâm đến phong thủy đều muốn tìm cho mình một cái tên hợp mệnh hợp tuổi. Nó không chỉ mang dựa trên yếu tố khoa học nghiên cứu phong thủy mà còn giúp cho chủ shop an tâm hơn tự tin hơn trong công việc kinh doanh. Bạn có thể áp dụng Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ cho việc đặt tên shop bắt đầu bằng từ nào.
– Kim gồm các từ C-Q-R-S-X-Z
– Mộc gồm có G và K
– Thủy gồm B-F-M-H-P
– Hỏa gồm D-J-L-N-T-V
– Thổ gồm A-E-I-O-U-W-Y
Ví dụ bạn thuộc mệnh Kim thì có thể lấy tên shop là Ruby, Zeni Sunday hoặc kết hợp nguyên tắc mệnh tương sinh để đặt tên cửa hàng như mệnh Kim – Thủy có thể đặt tên cửa hàng Ruby Baby (R thuộc hành Kim, B thuộc hành thủy).
Trên đây là những cách đặt tên shop hay cửa hàng kinh doanh vừa ấn tượng, độc đáo mà lại ý nghĩa để các bạn có thể tham khảo. SUNO hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ đặt được một cái tên thương hiệu ưng ý cho shop, cửa hàng của bạn. Đặt tên thương hiệu là cả một nghệ thuật và nó mang ý nghĩa xuyên suốt trong sự nghiệp kinh doanh của bạn. Vì thế đừng qua loa, đại khái mà hãy cố gắng đặt một cái tên thật phù hợp ngay khi vừa bắt đầu, dù là bạn chỉ định kinh doanh nhỏ lẻ.