Chỉ với một vài thủ thuật, vài thay đổi nhỏ, các nhà bán lẻ đã khiến khách hàng phải dễ dãi hơn, sẵn sàng chi nhiều tiền hơn khi mua sắm, góp phần thúc đẩy doanh số cho cửa hàng.
1. Thay đổi vị trí sản phẩm
Đây là chiêu thúc đẩy doanh số khá phổ biến.
Nếu để ý một tý bạn sẽ nhận thấy rằng ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, người ta không trưng bày hàng hóa tại một vị trí cố định. Họ thường xuyên thay đổi vị trí của các sản phẩm. Mục đích là khiến khách hàng phải đi quanh cửa hàng để tìm kiếm sản phẩm họ cần. Trong lúc tìm kiếm có thể họ sẽ “vô tình” thấy một vài sản phẩm khác mà họ đang muốn mua. Cứ như thế, cửa hàng sẽ “dụ” được khách hàng mua nhiều hơn.
2. “Mua nhiều lợi nhiều”
Đây cũng là chiêu trò thúc đẩy doanh số được khá nhiều nhà bán lẻ sử dụng:
- Mua đủ số tiền nhất định để được giao hàng miễn phí
- Mua số lượng lớn để được hưởng giá sỉ
- Mua sản phẩm theo bộ sẽ có giá rẻ hơn
- Mua càng nhiều tích điểm càng cao
- …
Với cách này, chủ cửa hàng sẽ đánh thẳng vào tâm lý “muốn hưởng lợi” của khách hàng. Tạo động lực để họ mua nhiều hơn so với dự định.
3. Tạo sự “khan hiếm”
Cách này rất hiệu quả đối với những mặt hàng theo “trend“.
Khi nghe một sản phẩm nào đó sắp hết hàng, số lượng có hạn, hoặc một sản phẩm đang có chương trình khuyến mãi lớn nhưng sắp hết thời hạn khuyến mãi, khách hàng thường muốn “mua ngay kẻo lỡ”.
4. Quảng cáo “đuổi”
Quảng cáo “đuổi”, hay còn được gọi là tiếp thị lại, remarketing là cách mà các cửa hàng vẫn thường dùng để “nhắc khéo” khách mua hàng.
Bạn có bao giờ thử nghĩ vì sao sau khi mình tìm kiếm thông tin về một sản phẩm nào đó thì bổng dưng sẽ thấy nó xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, trên các trang web khác? Không phải thông tin của bạn bị rò rỉ đâu. Bạn đã trở thành đối tượng của chiến dịch tiếp thị lại đấy.
Khi bạn truy cập một trang web để xem sản phẩm nào đó, thông tin truy cập của bạn sẽ được lưu lại. Ngay lập tức, các quảng cáo về sản phẩm đó (hoặc sản phẩm tương tự) sẽ theo bạn suốt 1 đến vài tuần để “nhắc nhở” bạn mua nó.
Bạn không thể tắt tất cả các quảng cáo này cùng lúc mà phải tắt từng quảng cáo một. Vậy nên có hai trường hợp xảy ra:
- Nếu nhu cầu của bạn chưa đủ, bạn sẽ phớt lờ hoặc xóa quảng cáo
- Nếu bạn đang muốn sản phẩm (nhưng chưa cần), có thể bạn sẽ mắc bẫy và mua nó ngay.
5. Ăn thử miễn phí
Cách này thường được thấy ở các quầy trái cây, quầy bánh kẹo, thức uống…
Chúng ta vẫn thường có “cảm giác tội lỗi”, cảm thấy ngại khi đã thử một thứ gì đó mà không mua. Nắm được tâm lý đó nên các chủ quầy đã để sẵn những mẫu thử tại quầy và khuyến khích khách dùng thử bằng những lời mời gọi có cánh. Một khi bạn thử, bạn đã “vào tròng”.