Nhiều chủ cửa hàng chia sẻ rằng họ cúng tất niên nơi kinh doanh với mong muốn thể tấm lòng tri ân với đất trời đã gia hộ bình an cho việc làm ăn trong năm qua. Mâm cúng Tất niên ở cửa hàng đơn giản hơn ở nhà nhưng vẫn đầy đủ, bày biện đầy đặn, trang nghiêm.
1. Ý nghĩa của mâm cúng Tất niên
Không chỉ trong tư gia, nhiều công ty, cửa hàng cũng tiến hành cúng Tất niên chào đón năm mới. Theo phong tục của người Việt, trước lễ đón giao thừa người dân thường cúng Tất niên để tiễn năm cũ, chào năm mới. Đây là một trong những phong tục mang đậm nét văn hóa cổ truyền. Ngoài việc chuẩn bị cho mâm cúng Tất niên ở gia đình, nhiều chủ cửa hàng, doanh nghiệp cũng chăm chút cho cỗ cúng ở nơi làm ăn, buôn bán để tri ân, tạ ơn trời đất.
Mâm cúng Tất niên ở cửa hàng thường đơn giản hơn ở nhà. Lễ vật cúng Tất niên chủ yếu là “giàu làm kép, hẹp làm đơn”. Bài cúng Tất niên ở cửa hàng, doanh nghiệp cũng không có nhiều phức tạp. Người chủ lễ không khấn gia tiê, chỉ khấn thổ công, tài thàn là những vị thần được tin rằng sẽ phù trợ cho sự yên ổn và tài lộc trong kinh doanh, làm ăn.
2. Mâm cúng tất niên ở cửa hàng cần chuẩn bị những gì
Đối với mâm cúng Tất niên ở cửa hàng, doanh nghiệp không cần quá cầu kỳ. Nhưng không thể thiếu các vật phẩm quan trọng như hoa tươi, trái cây, hương đèn, rượu trà,… Hương là tượng trưng cho tinh tú là sự nối kết giữa âm và dương. Đèn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời. Mâm ngũ quả để cúng tất niên nên chọn các loại hoa quả thông dụng, màu sắc đẹp mắt vừa đủ chín có thể ăn được. Hoa trưng cũng là hoa tươi, có mùi thơm.
Mâm cỗ cúng Tất niên mỗi vùng miền có sự khác nhau. Đối với mâm cỗ tất niên miền Bắc là 4 bát, 4 đĩa. Cỗ lớn thì 6 bát, 6 đĩa hoặc 8 bát, 8 đĩa. Mâm cỗ 4 bát gồm: Bát chân giò hầm măng lưỡi lợn, bát bóng thả, bát miến, bát mọc, 4 đĩa gồm: Đĩa thịt gà, đĩa thịt lợn, đĩa giò lụa, đĩa chả quế. Nếu 6 bát sẽ bao gồm: Măng, bóng, mực, nấm thả, miến, mọc; 8 đĩa gồm: Thịt gà luộc, giò lụa, chả quế, trứng muối, dưa hành, bánh chưng, lòng gà xào dứa và cá kho.
Theo phong tục miền Trung thì mâm cơm tất niên đầy đủ các món như:bánh chưng, bánh tét, giò lụa huế, gà bóp rau răm, thịt heo luộc, giá chua… Đối với mâm cỗ tất niên miền Nam có bánh tét, canh măng, thịt kho tàu, gỏi tôm thịt, nem, chả giò, dưa hành củ kiệu …
3. Ý nghĩa một số loại hoa quả trong mâm cúng tất niên
Mâm cúng ngũ quả rất được coi trọng trong lễ cúng Tất niên, vì nó thể hiện mong ước của gia chủ trong năm mới. Theo đó, mâm ngũ quả theo 5 sắc màu tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: Giàu có, sang trọng, sống lâu, khỏe mạnh, bình yên; hay quy luật đất trời theo ngũ hành: 5 màu của quả tượng trưng cho Kim (màu trắng), Mộc (màu xanh), Thủy (màu đen), Hỏa (màu đỏ), Thổ (màu vàng).
Mâm ngũ quả miền Bắc thường bày 5 loại quả có màu sắc khác nhau theo ngũ hành như: Chuối xanh; bưởi (hoặc phật thủ), cam, quýt màu vàng; hồng hoặc táo tây, ớt màu đỏ; roi, mận, đào hoặc lê màu trắng; hồng xiêm (sapôchê) hoặc nho đen, măng cụt, mận màu đen. Ở miền Nam, các loại quả trong mâm khi ghép lại trở thành những cái tên ý nghĩa, theo ước nguyện cầu mong của gia chủ như mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung, dưa hấu, thơm, bưởi, thanh long.
Ý nghĩa một số loại quả được dùng trong mâm ngũ quả như sau:
Chuối xanh: Tượng trưng cho cho mệnh Mộc, mang ý nghĩa như bàn tay ngửa che chở, đem lại sự bình an, sung túc, đùm bọc và gắn kết. Nải chuối xanh được để dưới cùng của mâm ngủ quả, nâng đỡ các loại quả khác đã nói lên điều đó.
Phật thủ: Trái phật thủ những năm gần đây trở nên thông dụng trong mâm ngũ quả bởi như tên gọi, Phật thủ là bàn tay Phật đang che chở, bảo vệ, phù hộ cho gia đình gia chủ.
Bưởi: Được đặt trên nải chuối xanh, tượng trưng cho phúc lộc với mong muốn an khang, thịnh vượng.
Thanh long: Không chỉ đẹp ở vẻ ngoài mà còn ở tên gọi, bởi theo quan niệm người dân, nếu như đầu năm được rồng ghé thăm nhà thì cả năm được may mắn, phát tài phát lộc.
Dưa hấu: Dưa hấu với vỏ xanh và ruột đỏ sẽ mang lại sự may mắn. Quả căng tròn mọng nước, ngọt thanh tượng trưng sự sung túc và căng tràn sức sống. Hiện dưa hấu ruột vàng cũng được lựa chọn nhiều vì màu vàng cũng là màu may mắn.
Đu đủ: Giống như tên gọi của nó, chưng đu đủ trong ngày Tết, người Việt Nam mang theo mong muốn được sự đầu đủ,thịnh vượng trong cuộc sống không những trong kinh tế mà còn cả tình cảm.
Xoài: Người miền Nam phát âm là “xài”, ý muốn cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn, cuộc sống sung túc.
Dừa: Người miền Nam phát âm là “vừa”, ý muốn cầu mong sự vừa đủ, không túng thiếu và viên mãn trong cuộc sống.
Sung: Người ta chọn sung để biểu trưng cho sự sung mãn không những về tình cảm, sức khỏe mà về cả tiền bạc, như cái tên vốn có của nó.
Thơm (miền Nam gọi là khóm): Với dáng như rồng (thân có vảy như vảy rồng) với ý nghĩa mang lại sự giàu có, may mắn và thịnh vượng.
Cam, quýt, chanh: Người ta tin rằng ba loại trái này có thể mang lại may mắn do hương vị dễ chịu và tinh khiết của nó, tránh được những điều xui xẻo.
Nho: Trong phong thủy, nho tượng trưng cho sự tạo ra sự phong phú của cải vật chất. Nho cũng đại diện cho sự thành công. Đôi khi, nho cũng được sử dụng như là công cụ phong thủy cho việc hóa hung thành cát, biến vận hạn rủi ro thành may mắn.