Thương hiệu thời trang Forever 21 chính thức nộp đơn xin phá sản

Hôm 29/9, Forever 21 tuyên bố đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản nhằm tái cấu trúc mảng kinh doanh. Việc nộp đơn này sẽ giúp Forever 21 loại bỏ những cửa hàng không mang lại lợi nhuận và cơ cấu lại nguồn vốn của doanh nghiệp.

Dù vậy, hãng cho biết, quyết định cuối cùng về việc cửa hàng nào trong nước sẽ bị đóng còn phụ thuộc vào quá trình thương thảo với chủ mặt bằng. “Chúng tôi hy vọng phần lớn cửa hàng sẽ vẫn mở cửa hoạt động như bình thường và không muốn rời bỏ bất kỳ thị trường lớn nào tại Mỹ”, thông báo của công ty cho biết.

Quá trình phá sản sẽ giúp các hãng bán lẻ chấm dứt hợp đồng thuê và đóng cửa hàng với chi phí thấp hơn. “Chúng tôi tin rằng đây là con đường đúng đắn với khả năng kinh doanh dài hạn của mình. Sau tái cấu trúc, Forever 21 sẽ là công ty vững mạnh hơn”, họ cho biết. Thông tin Forever 21 có thể phá sản đã xuất hiện từ tháng trước, do tiền mặt cạn kiệt và khả năng cải tổ mờ mịt. 

Như vậy Forever 21 trở thành một “nạn nhân” khác trong số những hãng bán lẻ vật lý ở Mỹ – những đơn vị đã trải qua xu hướng người tiêu dùng thay đổi, chuyển sang mua sắm trực tuyến thay vì đến các trung tâm thương mại.

Forever 21 thành lập năm 1984, bởi hai vợ chồng Jin Sook và Do Won Chang. Chuỗi cửa hàng này nhanh chóng mở rộng ra khắp các trung tâm mua sắm, chủ yếu phục vụ khách hàng nữ trẻ tuổi với sản phẩm thời trang cơ bản, bình dân. Đến nay, họ đã có hơn 800 cửa hàng tại Mỹ, châu Âu, châu Á và Mỹ Latin.

Dù vậy, các hãng bán lẻ truyền thống tập trung vào nhóm khách hàng trẻ gần đây liên tục gặp khó. Nguyên nhân là vòng đời các xu hướng thời trang ngắn lại, và người trẻ chuyển từ mua sắm tại trung tâm thương mại sang mua hàng online.

Làn sóng phá sản đang càn quét ngành bán lẻ Mỹ. Đầu tháng này, hãng bán lẻ hàng cao cấp Barneys New York cũng thông báo phá sản và sẽ đóng cửa 15 trên 22 cửa hàng. Hầu hết hãng bán lẻ gặp khó khăn đều đặt gian hàng tại trung tâm thương mại – nơi ngày càng ít người đến mua sắm. Ngoài doanh thu giảm, họ còn phải tốn thêm chi phí cho công nghệ, để cạnh tranh với các thương hiệu bán hàng trực tuyến.

Forever 21 hiện vẫn thuộc sở hữu của các nhà đồng sáng lập. Theo Forbes, Won và Chang hiện có tài sản 1,5 tỷ USD. Forever 21 có doanh thu hàng năm 3,4 tỷ USD với 30.000 nhân viên. Hiện Forever 21 đã nhận một vài khoản trợ cấp vốn gồm 275 triệu USD từ ngân hàng JPMorgan Chasse và 75 triệu USD từ quỹ TPG Sixth Street Partners để tái cấu trúc. 

“Đây là một bước quan trọng và cần thiết để bảo đảm tương lai của công ty. Điều này sẽ cho phép chúng tôi tổ chức lại hoạt động kinh doanh và tái định vị thương hiệu”, bà Linda Chang, phó chủ tịch Forever 21 phát biểu.

Có vẻ 2019 là năm khó khăn với ngành thời trang giá rẻ. Không chỉ Forever 21, Arcadia Group, công ty mẹ của Topshop và Topman (Anh), cũng đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ vào giữa tháng 5. Các hãng thời trang nhanh khác như H&M cũng đang vật lộn với khó khăn khi lợi nhuận giảm, giá cổ phiếu sụt một nửa trong bốn năm qua.

Nguồn: Theo VnExpress

Từ khóa:

Bài Trước

Bài Tiếp Theo

Tin kinh tế:

Looking for 

Retirement Advice?

FREE

Tải MIỄN PHÍ ebook cẩm nang

quản lý kho, hàng hoá hiệu quả