Để đạt được thành công, các doanh nghiệp chắc chắn không thể không làm marketing. Đặc biệt là các doanh nghiệp mới thì càng phải chú trọng khâu làm marketing sao cho hiệu quả. Tuy nhiên, nếu không biết cách thực hiện hoặc mắc sai lầm khi làm marketing thì rất dễ dẫn đến thất bại. Vậy nên, qua bài viết này, SUNO đã tổng hợp những điều nên và không nên trong marketing mà các chủ doanh nghiệp cần biết để áp dụng.
10 điều Nên và Không nên trong Marketing:
1. Không nên bỏ qua hình thức Email marketing:
Một trong những quan niệm sai lầm phổ biến về marketing hiện nay chính là sự chuyển đổi khách hàng từ Email marketing đã “chết”. Có rất nhiều lý do để nhiều người tin vào điều đó. Ví dụ như phương tiện truyền thông xã hội ngày càng hiện đại, các hình thức giao tiếp trở nên đa dạng và dễ dàng hơn. Do đó, không còn ai thực sự quan tâm đến một chiến dịch tiếp thị qua email nữa.
Nhưng điều đó có thực sự đúng, hãy kiểm tra lại và để các con số chứng minh. Theo một nghiên cứu của Tập đoàn Radicati khảo sát rằng đã có sự gia tăng hơn 100 triệu người dùng email trong năm 2019, so với năm 2018. Hãy xem xét đến con số 1,5 tỷ người dùng email đang hoạt động. Với hàng tỷ người này, bạn sẽ bỏ sót rất nhiều khách hàng tiềm năng nếu bỏ qua hình thức tiếp thị qua email.
2. Nên xây dựng câu chuyện thương hiệu:
Nhiều chủ doanh nghiệp háo hức tạo ra thương hiệu của mình và cho rằng mọi người sẽ đổ xô đến vì những sản phẩm tuyệt vời mà họ đang bán. Tất nhiên, khách hàng sẽ luôn yêu thích các sản phẩm chất lượng cao, dịch vụ hậu mãi tốt. Tuy nhiên, trước khi khách hàng bắt đầu chi tiền cho các sản phẩm của bạn, họ phải biết thương hiệu của bạn là gì và nó có ý nghĩa như thế nào.
Ngày nay, người tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ sau này quan tâm đến các giá trị thương hiệu hơn. Vì vậy, điều nên làm trong marketing là đảm bảo xây dựng được câu chuyện thương hiệu của bạn thông qua các nền tảng truyền thông xã hội. Bạn cần xác định điều gì là quan trọng đối với thương hiệu của bạn và tạo thông điệp nhất quán từ đó.
Nếu bạn có website, hãy kể một câu chuyện giới thiệu về doanh nghiệp của mình cho khách hàng biết. Tập trung vào ý nghĩa, thông điệp đằng sau thương hiệu mà bạn muốn gửi gắm đến người dùng.
3. Nên dùng công cụ tự động hóa trong Marketing:
Các công cụ tự động hóa ngày càng được sử dụng phổ biến trong giới marketing. Các marketer và chủ doanh nghiệp không còn cần phải mất thời gian như ngồi phân loại từng nhóm khách hàng tiềm năng để gửi email tiếp thị. Tự động hóa cho phép chủ doanh nghiệp thu thập dữ liệu tự động. Chúng vừa giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức vừa tăng mức độ quan tâm của khách hàng dành cho công ty.
Đồng thời, các đột phá công nghệ trong tự động hóa đã giúp dễ dàng thiết lập chatbot trên các trang truyền thông xã hội của bạn. Qua đó giúp bạn trả lời hay giải quyết vấn đề của khách hàng nhanh hơn. Điều này làm nâng cao trải nghiệm khách hàng và tiết kiệm thời gian hơn cho những dự án khác. Có rất nhiều công cụ marketing tiện lợi phục vụ cho quá trình phát triển của doanh nghiệp mà bạn có thể tham khảo như: Maptive, Nimble, CrazyEgg, Startup Threads,…
4. Không nên đánh giá thấp hình thức marketing miễn phí:
Trên thực tế, “free” (miễn phí) lại là chiến lược cực kỳ hiệu quả trong marketing. Với đặc tính dễ lan tỏa trong cộng đồng lại ít tốn kém. Những loại hình marketing miễn phí hiệu quả nhất có thể kể đến như: marketing truyền miệng, quảng bá thương hiệu trên các phương tiện truyền thông xã hội, viết blog, làm video, tối ưu hóa kết quả tìm kiếm trên Google,… Dù vậy, nhiều startup lại đánh giá thấp hình thức marketing này bởi họ cho rằng những thứ miễn phí sẽ không đem lại nhiều giá trị.
5. Nên cá nhân hóa khi làm marketing:
Khi làm marketing, có nhiều doanh nghiệp đều mắc chung sai lầm, đó là làm “marketing đại trà”. Khách hàng bị đánh đồng và phải tiếp nhận những nội dung, thông điệp quảng cáo quá chung chung. Giờ đây xu hướng làm marketing chính là cá nhân hóa, có nghĩa là bạn cần “giao tiếp” với từng con người cụ thể. Cốt lõi là làm cho khách hàng của bạn tin rằng sản phẩm hay dịch vụ của bạn chỉ dành riêng cho họ.
Hãy phân tích dữ liệu của từng khách hàng và cố gắng đưa ra đề xuất, gợi ý mua sắm dựa trên hành vi của họ các giao dịch mua hàng trước đây. Khi đã có trong tay “hồ sơ” chi tiết về khách hàng mục tiêu, một “content” đủ hấp dẫn và đủ tính cá nhân hóa, một thời điểm hoàn hảo và kênh truyền thông phù hợp chắc chắn sẽ giúp bạn chinh phục được khách hàng.
6. Nên và không nên trong marketing – Đừng sớm thỏa mãn:
Một trong những điều bạn tuyệt đối không nên làm là sớm thỏa mãn với những thành công ban đầu. Các startup thường hay tự mãn khi đạt được những thành công nho nhỏ ban đầu, dễ cảm thấy hài lòng với bản thân kéo theo cường độ làm việc bị giảm xuống.
Trong khi đối với nhiều doanh nhân, thành công luôn được xem như một lý do để họ đẩy nhanh tốc độ làm việc (cụ thể là hoạt động marketing) trong công ty. Đây là cơ hội tốt trong kinh doanh giúp startup phát triển thương hiệu, do đó cần bổ sung thêm nguồn lực hỗ trợ marketing thay vì dành nhiều thời gian ăn mừng.
7. Nên và không nên trong marketing – Nên biết bỏ cuộc đúng lúc:
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp gặp thất bại là do quá trung thành với những chiến lược marketing không hiệu quả. Thực tế, những người thành công cũng gặp thất bại như bao người, chỉ khác là họ chọn cách thất bại nhanh chóng. Điều này nghĩa là khi sớm nhìn thấy một chiến lược kém hiệu quả, họ sẽ ngay lập tức chấm dứt nó và không cố gắng níu kéo.
Trong khi đó, các doanh nghiệp khác lại cố gắng “vớt vát” tiếp tục theo đuổi chiến lược vì đã lỡ đầu tư ngân sách, dù bản thân họ cũng nhận ra khả năng thành công là rất thấp. Thế nên, việc sớm từ bỏ những chiến lược marketing kém hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tiền bạc và dồn nguồn lực cho chiến lược mới.
8. Nên và không nên trong marketing – Không nên bất đồng với khách hàng:
Trong marketing bán hàng, bạn nên khéo léo dẫn dắt khách hàng thay vì áp đặt quan điểm lên họ. Câu nói “Khách hàng luôn đúng” không phải là điều vô căn cứ khi đã được chứng minh trong nhiều trường hợp thực tế. Nếu có bất đồng xảy, bạn nên tìm cách giải quyết với khách hàng, và tốt nhất nên giải quyết theo hướng có lợi cho họ.
9. Nên chú trọng hiệu quả marketing:
Có một nguyên tắc đơn giản trong kinh doanh: Để kiếm được nhiều tiền, bạn buộc phải chi tiền. Không may thay, nhiều startup lại dễ dàng vung tiền cho các chiến lược marketing mà không thật sự quan tâm đến hiệu quả hoạt động của chúng – thường được thể hiện qua chỉ số ROI và mức tăng doanh thu dự kiến.
ROI (Return of Investment) là một thuật ngữ quan trọng trong marketing, đặc biệt là SEO, thể hiện tỷ lệ lợi nhuận thu được so với mức chi phí đầu tư. Hiểu một cách đơn giản, bạn sẽ biết được tỷ lệ những gì bạn thu về so với những gì bạn bỏ ra thông qua chỉ số này.
10. Không nên “spam” khách hàng:
Trước khi gửi thông điệp quảng cáo, bạn nên kiểm tra kỹ xem trước đó đã từng gửi chúng cho khách hàng hay chưa, tránh việc vô tình “tấn công” liên tục vào hộp mail hay điện thoại gây khó chịu cho họ. Chưa kể, hành động này dễ bị Google hay các công cụ tìm kiếm khác coi là spam (gửi thư rác) và cảnh báo sai phạm.
Các công ty như Google hay Amazon không bao giờ gửi quá một tin nhắn đến khách hàng trong mỗi lần thông báo bởi họ muốn đạt hiệu quả thực sự trong marketing. Cách làm này vừa giúp khách hàng không cảm thấy bị làm phiền vừa giúp công ty được đánh giá cao về tính chuyên nghiệp.
Trên đây là những điều nên và không nên trong marketing mà các chủ shop, chủ doanh nghiệp cần biết để áp dụng cho bản thân. Nên nhớ, với mỗi chiến lược marketing nào, bạn cũng cần phải đầu tư thời gian, ngân sách và xây dựng nội dung, thông điệp đúng đắn thì mới mang lại hiệu quả lâu dài. Đừng nóng vội hay thiếu kiên trì để rồi phạm phải những sai lầm không đáng có dẫn đến thất bại.