Theo dự đoán của các doanh nghiệp thương mại điện tử, giá cả vẫn là cuộc chiến sống còn trong năm 2018 này.
Gần đây, trong một báo cáo nghiên cứu của CBRE Việt Nam, được thực hiện thông qua ghi nhận ý kiến khoảng 1.000 người tại TP HCM và Hà Nội, cho biết, 25% người tiêu dùng được khảo sát dự định sẽ giảm tần suất mua sắm tại cửa hàng thực tế.
Trong khi đó, 45 – 50% cho rằng sẽ mua sắm trực tuyến thông qua máy tính để bàn/máy tính xách tay hay điện thoại thông minh/máy tính bảng, thường xuyên hơn trong tương lai. Ngay với năm 2018 trước mắt, nhiều đơn vị trong ngành cũng đang có cái nhìn khá tích cực.
Giá vẫn là “át chủ bài” để hút khách
Theo ông Trần Tuấn Anh – Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, thương mại điện tử là một ngành có tốc độ phát triển nhanh do hành vi của người tiêu dùng thay đổi hàng ngày. Ngày hôm nay có thể khách hàng sẽ lựa chọn mua sắm trên nền tảng của bạn nhưng ngay hôm sau họ đã lựa chọn một địa chỉ khác phù hợp hơn. Vì vậy điểm cốt lõi để phát triển là chủ động lắng nghe hành vi người dùng.
Vị CEO này cho rằng, thương mại điện tử sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm nay. Đặc biệt, giá vẫn sẽ là “át chủ bài” để các nền tảng bán hàng online lôi kéo người mua.
“Năm 2018 sẽ là thời điểm của thương mại điện tử khi người dân hầu như đã rất quen thuộc với mua sắm trực tuyến. Giá vẫn là một yếu tố quan trọng thu hút người dùng mua hàng trực tuyến. Ngoài ra, chất lượng sản phẩm, dịch vụ cũng là một nhu cầu ngày càng được chú trọng. Tất nhiên, khi càng nhiều người tiêu dùng biết về thương mại điện tử thì thương hiệu, cung cách phục vụ, nền tảng công nghệ, các dịch vụ gia tăng như vận chuyển, thanh toán, hậu mãi, sẽ phải càng hoàn thiện hơn”, ông Tuấn Anh nhận xét.
Uy tín là “chìa khóa” để khách hàng quay lại
Bà Mai Thị Lan Vân – Giám đốc Marketing Adayroi nhận định, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử Việt Nam đang gần như thuộc hàng top thế giới. Miếng bánh này được xâu xé rất nhiều. Những năm gần đây, lượng người dùng Internet ngày càng tăng. Vì thế, sự dịch chuyển mua sắm offline lên online không thể tránh khỏi.
Bà cũng đồng quan điểm rằng, giá là yếu tố để lôi kéo người mua lần đầu. Tuy nhiên, uy tín chính là mấu chốt để họ quay lại những lần tiếp theo.
“Hiện tại, yếu tố đầu tiên để người Việt chọn thương mại điện tử là giá, tiếp theo là uy tín nhà cung cấp và chất lượng sản phẩm. Nhưng đó là trước khi họ mua sản phẩm. Còn sau khi mua, để kéo họ quay lại thì uy tín nhà cung cấp và chất lượng sản phẩm là quan trọng nhất”, và Vân nói.
Kinh doanh online và offline giao thoa mạnh
Ông Trần Ngọc Thái Sơn – CEO Tiki khẳng định, sự tiếp tục chuyển dịch từ mua sắm offline sang online là điều không tránh khỏi trong năm nay. Tuy nhiên, thương mại điện tử sẽ không thể thay thể bán lẻ truyền thống.
Theo ông Sơn, hiện thị trường thương mại điện tử Việt Nam chỉ chiếm 3% trong tổng doanh số 80 – 90 tỷ USD của thị trường bán lẻ. Chắc chắn trong tương lai, tỷ lệ này sẽ lên mức 5% – 10%. Tuy nhiên, sẽ không bao giờ có chuyện đảo ngược, kiểu 97% mua online và 3% mua offline.
“Xu hướng chính là sự kết hợp hài hòa không biên giới giữa online và offline. Khách hàng có những thứ sẽ mua online, có những thứ tìm online nhưng mua offline, có những thứ vô cửa hàng xem rồi lên website họ đặt”
Người trẻ là lực lượng khách hàng chính
Kết quả khảo sát Hàng Việt Nam chất lượng cao công bố gần đây cho biết, xu hướng mua bán online ngày càng rõ rệt, đặc biệt với giới tiêu dùng trẻ.
Kết quả khảo sát 2017 về nơi chọn mua sản phẩm, cho thấy mua sắm online mới chỉ chiếm 0,9%. Và chỉ sau một năm, kết quả khảo sát 2018 cho thấy số người tiêu dùng chọn mua online đã tăng gấp ba lần (2,7%).
Ngoài ra, kết quả khảo sát còn ghi nhận, tất cả các sản phẩm tiêu dùng ít nhiều đều được người tiêu dùng mua online. Trong đó, các dòng sản phẩm thuộc các ngành hàng như thiết bị – đồ điện tử kỹ thuật cao; đồ chơi – dụng cụ thể thao; mỹ phẩm; chăn mền, drap, gối, rèm cửa; dụng cụ làm đẹp; văn phòng phẩm và các mặt hàng thời trang được chọn mua trực tuyến cao nhất (chiếm tỷ lệ từ 10 – 30% người tiêu dùng chọn mua online).
Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA) đánh giá, những năm gần đây, với sự ra đời của hàng loạt các website thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi… việc mua sắm online đã không còn mấy xa lạ với người người tiêu dùng Việt, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x, 2000.
“Thị trường mua sắm trực tuyến trở nên sôi động hơn khi người tiêu dùng trẻ tham gia vào việc mua bán trên mạng xã hội ngày càng nhiều. Đây là một thị trường mang tính tương tác cao, kết nối rộng, thuận tiện trong giao thương…. Thật vậy, mua bán online là miếng đất màu mỡ và giàu tiềm năng để các nhà bán lẻ khai thác, cũng như hứa hẹn mang đến nhiều lợi ích cho người tiêu dùng”, BSA bình luận.
Theo Vnexpress