Nếu bạn đang có ý định mở cửa hàng phụ kiện điện thoại nhưng cảm thấy băn khoăn liệu mặt hàng này ở thời điểm hiện tại có còn hot hay không? Vậy hãy để SUNO phân tích chi tiết các ưu nhược điểm khi mở cửa hàng phụ kiện điện thoại để bạn có một cái nhìn tổng quan và đưa ra quyết định nhé!
Ý tưởng kinh doanh đầy tiềm năng:
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều cửa hàng bán lẻ điện thoại và thiết bị di động lớn mạnh có thể kể đến như Thế Giới Di Động, FPT Shop, Cellphone S, Bạch Long Mobile, Hnam Mobile,… Đồng thời còn rất nhiều cửa hàng, các nhà phân phối nhỏ lẻ chuyên kinh doanh các sản phẩm điện thoại, máy tính bảng mọc lên ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Mặc dù vậy, các cửa hàng lớn đó chỉ đa dạng về điện thoại, máy tính bảng nhưng không thực sự mạnh về mảng phụ kiện. Bởi vì không có sự đa dạng về kiểu dáng đồng thời giá thành thường cao hơn so với các cửa hàng bên ngoài.
Chính vì thế, đây vẫn là là cơ hội dành cho những ai có ý định kinh doanh, mở cửa hàng phụ kiện điện thoại hiện nay. Khách hàng có thể mua điện thoại hay máy tính bảng từ các nhà phân phối lớn nhưng thường tìm đến các cửa hàng bán phụ kiện nhỏ lẻ để chọn ốp lưng, bao da, dán màn hình vì có giá thành cạnh tranh, rẻ hơn, kiểu dáng đa dạng hơn. Đó là chưa kể đến xu hướng thị trường điện thoại, công nghệ thay đổi liên tục, phát triển liên tục của các dòng điện thoại hay máy tính bảng mới ra mắt hàng năm nên ý tưởng kinh doanh phụ kiện điện thoại còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Nguồn hàng phụ kiện đa dạng và phong phú:
Thêm một ưu điểm của việc kinh doanh, mở cửa hàng phụ kiện điện thoại hiện nay đó chính là nguồn hàng đa dạng, phong phú, với rất nhiều kiểu dáng và chủng loại khác nhau. Bạn có thể lấy hàng từ các đại lý, cửa hàng bán buôn phụ kiện điện thoại, các chợ lớn hoặc trung tâm thương mại, các chợ cửa khẩu hay đi đánh hàng trực tiếp ở Quảng Châu, Trung Quốc. Do đó việc lựa chọn một nguồn hàng đáp ứng được yêu cầu về kiểu dáng đẹp, giá cạnh tranh, chất lượng đảm bảo không quá khó khăn. Bạn có thể tham khảo nhiều mối hàng khác nhau để so sánh giá và chất lượng trước khi nhập hàng về kinh doanh.
Ngoài kiểu dáng thì chủng loại phụ kiện điện thoại tương đối phong phú với nhiều mặt hàng khác nhau từ bao da, ốp lưng, gậy selfie, pin sạc dự phòng, tai nghe đến các đồ chơi công nghệ khác. Chính vì vậy, bạn có thể thoải mái lựa chọn các sản phẩm khác nhau, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng, nhất là các khách hàng trẻ có nhu cầu cao với các dòng phụ kiện vì luôn cập nhật các xu hướng phụ kiện mới. Ví dụ như một chiếc ốp lưng đầy màu sắc khiến cho chiếc điện thoại giống như được làm mới hoàn toàn, mang một diện mạo khác. Thế nên khách hàng có thể thỏa sức sáng tạo trang trí cho dế yêu của mình mà không cần phải bỏ ra chi phí quá cao, có thể thay đổi liên tục hoặc mua sắm nhiều phụ kiện cùng lúc.
Vốn mở cửa hàng phụ kiện điện thoại linh hoạt:
Kinh doanh điện thoại cần bao nhiêu vốn là câu hỏi được khá nhiều chủ cửa hàng phụ kiện điện thoại quan tâm đầu tiên. Bởi ngoài số tiền nhập hàng thì nếu mở cửa hàng kinh doanh phụ kiện điện thoại, bạn còn phải chi trả chi phí cho tiền thuê mặt bằng, tiền làm biển hiệu, tủ kính, trang trí nội thất, vật tư cần thiết. Số tiền đầu tư này không cố định bởi nó còn phụ thuộc vào địa điểm kinh doanh và quy mô cửa hàng.
Thông thường, chỉ cần khoảng 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng là bạn có thể mở một cửa hàng phụ kiện điện thoại ban đầu với quy mô vừa, trong đó số vốn nhập hàng dao động khoảng 20 đến 30 triệu đồng. Nếu như ngôi nhà bạn đang ở có thể làm mặt bằng kinh doanh thì bạn nên tận dụng để tiết kiệm chi phí. Hoặc bạn có thể thuê một mặt bằng nhỏ trước, với chi phí thuê khoảng 5 – 6 triệu đồng/tháng và kết hợp với việc bán phụ kiện online để thu hút khách hàng. Nếu chỉ bán phụ kiện điện thoại online, không cần mở cửa hàng thì bạn chỉ cần khoảng 15 triệu đồng là có thể bắt đầu việc kinh doanh phụ kiện.
Trong trường hợp bạn muốn xây dựng một cửa hàng lớn, kinh doanh hầu hết các mặt hàng phụ kiện điện thoại hiện nay như bao da, ốp lưng, miếng dán màn hình, pin sạc dự phòng, tai nghe từ bình dân đến cao cấp cho hầu hết các dòng điện thoại, máy tính bảng phổ biến trên thị trường thì chi phí phải bỏ ra khoảng trên 100 triệu đồng, trong đó số vốn để lấy hàng dao động trong khoảng từ 40 triệu đến 50 triệu đồng.
Cửa hàng phụ kiện điện thoại gặt hái lợi nhuận cao:
Một trong số các lý do khiến các cửa hàng kinh doanh phụ kiện điện thoại mọc lên ngày càng nhiều đó chính là đây là một hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận. Bởi có nhiều loại ốp lưng hoặc miếng dán màn hình cường lực lấy giá sỉ chỉ từ 13 đến 30 nghìn đồng tùy loại nhưng giá bán cho khách hàng với mặt bằng chung trên thị trường phải từ 70 ngàn đến hơn 100 nghìn đồng. Tuy nhiên bạn phải lấy hàng số lượng càng nhiều thì giá vốn mới càng tốt.
Với mặt hàng phụ kiện là miếng dán điện thoại, bạn thường phải lấy theo lô hoặc với số lượng từ 50, 100 đến 500 sản phẩm cho một lần lấy hàng, lấy càng nhiều càng rẻ. Ví dụ với một sản phẩm ốp lưng đơn giản cho iPhone 7 hay iPhone 7 Plus có giá buôn 12 nghìn, mức giá bán cho khách có thể lên tới 50 đến 70 nghìn, gần như một vốn bốn lời. Đó là chưa kể việc bán thêm các loại phụ kiện khác như ốp lưng, gậy tự sướng, tai nghe. Tính sơ sơ thì nếu một ngày bạn bán được 15 đến 20 lượt khách thì có thể thu được cả triệu tiền lợi nhuận kinh doanh.
Khó khăn khi mở cửa hàng phụ kiện điện thoại:
Khó khăn lớn nhất khi kinh doanh phụ kiện điện thoại ở thời điểm hiện nay chính là các cửa hàng phụ kiện điện thoại mọc lên ngày càng nhiều. Điều đó khiến cho mức độ cạnh tranh ngày càng cao. Đồng thời, các dòng điện thoại hay máy tính bảng thường xuyên có các model mới được sản xuất và du nhập vào thị trường. Nên việc đảm bảo cửa hàng có đầy đủ phụ kiện cho tất cả các dòng điện thoại là không đơn giản. Đặc biệt là các dòng điện thoại hot như Samsung hay iPhone, lượng phụ kiện cần phải đa dạng hơn nhiều so với các điện thoại ít người sử dụng.
Bên cạnh đó, bán hàng phụ kiện điện thoại còn phát sinh rất nhiều hàng tồn kho. Có rất nhiều dòng phụ kiện điện thoại không bán được đồng thời thị hiếu khách hàng khác nhau tùy người nên đôi khi các cửa hàng kinh doanh điện thoại có lúc có tới 1/3 lượng phụ kiện được xếp vào danh sách hàng khó tiêu thụ. Đó là chưa kể đến việc nhu cầu và thị hiếu của thị trường thay đổi thường xuyên, các dòng máy mới xuất hiện liên tục nên các chủ cửa hàng luôn luôn phải nhập theo hàng để bắt kịp xu hướng dù rất nhiều loại phụ kiện còn tồn đọng.
Vậy có nên mở cửa hàng phụ kiện điện thoại không?
Dù có không ít khó khăn và sự cạnh tranh lớn tuy nhiên kinh doanh phụ kiện điện thoại luôn là một ý tưởng khởi nghiệp đầy sức hút và tiềm năng. Bởi vì sự phát triển của các dòng sản phẩm điện thoại hay thiết bị di động mới vẫn luôn tiếp tục sẽ kéo theo lượng lớn nhu cầu sử dụng mặt hàng này. Điều quan trọng là bạn cần có kế hoạch kinh doanh đúng đắn, biết cách nắm bắt xu hướng và thị hiếu của thị trường. Đồng thời nên có chiến lược nhập hàng hợp lý để tránh tình trạng tồn hàng nhiều.
Ngoài ra, bên cạnh việc mở cửa hàng phụ kiện điện thoại, bạn còn nên mở rộng thêm các kênh bán hàng online để thu hút thêm các khách hàng tiềm năng. Và một điều quan trọng nữa mà các chủ cửa hàng khi mới bắt đầu kinh doanh thường hay bỏ qua, đó là chỉ quen theo dõi, quản lý bán hàng, thu chi bằng sổ sách thủ công. Hoàn toàn không nên như vậy, hãy trang bị cho mình một phần mềm quản lý cửa hàng phụ kiện điện thoại để giúp bạn vừa bán hàng vừa quản lý mọi thứ một cách tiện lợi, hiệu quả nhất.
Dùng thử miễn phí Phần mềm quản lý bán hàng Suno.vn – SIÊU ĐƠN GIẢN, ai cũng dùng được AN NHÀN BÁN HÀNG – THẢNH THƠI HƯỞNG THỤ