Bạn muốn shop bán lẻ của mình được nhiều người nhắc đến? Bạn muốn được khách hàng đánh giá cao? Bạn muốn mọi người sẽ nghĩ ngay đến bạn khi muốn mua một sản phẩm nào đó?… Hãy xây dựng thương hiệu cho shop bán lẻ của mình.
Thương hiệu là gì?
Nói một cách đơn giản, thương hiệu là thứ để mọi người nhớ đến bạn, phân biệt bạn với các đối thủ khác. Thương hiệu là yếu tố nói lên “giá trị” của một doanh nghiệp/ cửa hàng, giúp khách hàng biết được họ có thể trông chờ điều gì từ cửa hàng/ doanh nghiệp của bạn…
Các bước xây dựng thương hiệu cho shop bán lẻ
Phân tích doanh nghiệp
Để xây dựng và phát triển thương hiệu thành công, trước hết bạn phải hiểu rõ cửa hàng của mình. Cửa hàng có những điểm mạnh, điểm yếu nào? Điều gì bạn đã làm tốt, điều gì chưa? Với hướng kinh doanh hiện tại bạn có những cơ hội và thách thức gì?…Trả lời được những câu hỏi đó, bạn mới có thể đưa ra được chiến lược phát triển tốt nhất cho doanh nghiệp của mình.
Tìm hiểu thị trường và đối thủ cạnh tranh
Tìm ra những “lỗ hổng” thị trường hay nói cách khác là tìm ra những gì mà thị trường đang còn thiếu (có cầu mà không có cung), nhanh chóng chớp lấy thời cơ, giải quyết những thiếu xót đó.
Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, tìm ra những điểm mạnh và điểm yếu của đối thủ, tận dụng những điểm đó để phát triển phát triển cửa hàng của mình. Cách dễ nhất để “điều tra” đối thủ là đóng vai khách hàng và đến mua sản phẩm của đối thủ.
Điểm mạnh của đối thủ cho chúng ta biết cửa hàng của mình còn thua kém những gì, làm thế nào để bắt kịp những giá trị đó. Trong khi đó điểm yếu là những điểm bạn có thể tận dụng để đánh bại đối thủ của mình.
Nghiên cứu khách hàng mục tiêu
Để tạo dựng được một thương hiệu khiến khách hàng phải “chết mê chết mệt”, bạn phải biết khách hàng của mình “mê mệt” những gì trước đã.
Khách hàng bạn hướng đến là những ai, độ tuổi, nghề nghiệp, thu nhập, lối sống… ra sao? Họ thích được phục vụ như thế nào? Thích mua hàng bằng cách nào?… Hiểu rõ khách hàng thì bạn mới có thể phục vụ họ tốt được.
Xác định sứ mệnh và tầm nhìn
Vì sao bạn mở cửa hàng? Thương hiệu của bạn sẽ đại diện cho điều gì? Cửa hàng sẽ mang lại cho khách những lợi ích gì? Bạn sẽ làm gì để khác biệt so với đối thủ? Đích đến cuối cùng của cửa hàng trong tương lai?…
Sứ mệnh sẽ xác định mục đích tồn tại của doanh nghiệp, là cơ sơ để bạn lựa chọn đúng mục tiêu và chiến lược phát triển lâu dài cho cửa hàng. Trong khi đó Tầm nhìn xác định đích đến cho cửa hàng, định hướng một tương lai tốt đẹp hơn, tạo động lực để phát triển.
Tạo dựng hệ thống giá trị cốt lõi
“Hệ thống giá trị cốt lõi” còn được gọi là hệ thống niềm tin trong một doanh nghiệp, là “bộ quy tắc” ảnh hưởng sâu sắc đến thái độ, suy nghĩ và hành động của tất cả các thành viên trong doanh nghiệp/ cửa hàng. Nói một cách đơn giản một khi bạn tin vào điều gì thì hành động của bạn sẽ phục vụ cho niềm tin đó.
Khi nhân viên bán hàng tin rằng sản phẩm của mình tốt nhất, họ sẽ tìm cách thuyết phục cho khách hàng đó là sản phẩm tốt nhất.
Để xây dựng một thương hiệu bền vững, bạn nhất định phải xây dựng hệ thống giá trị cốt lõi cho doanh nghiệp/ cửa hàng của mình.
Thông thường, hệ thống giá trị cốt lõi của doanh nghiệp sẽ không thay đổi dù cho tình hình kinh doanh có chuyển biến tốt hay xấu, nó sẽ gắn liền với doanh nghiệp trong suốt quá trinh hoạt động.
(Đón đọc tiếp trong phần sau)