Nhiều người mơ ước có công việc kinh doanh của riêng mình nhưng không nhiều người làm được. Trở ngại thì có nhiều như là: ý tưởng chưa đủ rõ ràng, không có kế hoạch khả thi, động lực yếu .. và một trở ngại rất lớn: không có vốn.
Thực tế, nếu bạn có ý tưởng rõ ràng và kế hoạch kinh doanh khả thi thì có thể huy động vốn từ các nguồn như: vay tiền, xin tài trợ, crowfunding (huy động vốn từ cộng đồng). Thậm chí có những lĩnh vực kinh doanh không cần vốn, tùy theo mô hình kinh doanh mà bạn lựa chọn.
Tuy nhiên cũng có một số lĩnh vực kinh doanh không cần vốn, hoặc cần rất ít vốn mà SUNO.vn chia sẻ dưới đây:
1. Bán sản phẩm handmade tự sáng tạo
Điều kiện cuộc sống ngày càng được cải thiện và nhu cầu thể hiện cá nhân ngày càng cao. Do đó đất sống cho các mặt hàng thủ công mỹ nghệ hay các sản phẩm nghệ thuật ngày càng rộng.
Từ những vật đơn giản như phụ kiện thời trang, đến các bức tranh vẽ, ảnh chụp đều có thể đem rao bán. Lúc này, khoản vốn phải bỏ ra ban đầu thực ra chỉ là thời gian và những đứa con tinh thần của bạn.
Nhờ vào các trang web bán hàng, các mạng xã hội (facebook, pinterest) các nhà sáng tạo có thể tiếp cận hàng ngàn khách hàng tiềm năng, không chỉ ở Việt Nam mà còn các khách hàng trên thế giới, giúp họ kiếm được lợi nhuận khá khá từ công việc chuyên môn yêu thích của mình.
2. Cung cấp các dịch vụ sửa chữa hoặc tận dụng kỹ năng có sẵn
Nếu sở hữu một kỹ năng cụ thể, hãy tận dụng nó để mang lại nguồn thu cho hoạt động kinh doanh của mình.
Bạn có biết một trong các kỹ năng nào sau đây không:
- Sửa chữa điện nước
- Gia sư
- Chăm sóc thú cưng …
Kiểu kinh doanh này không đòi hỏi bạn phải có một cơ sở để đặt văn phòng và không yêu cầu bạn phải đầu tư tiền vốn trước khi bắt đầu, ngoại trừ một số công cụ để làm việc nhưng bạn sẽ nhanh chóng lấy lại chúng trong doanh thu.
Dần dà khi đã có uy tín và có “quan hệ” rộng hơn, bạn có thể thuê thêm người để mở rộng lượng khách hàng có thể phục vụ.
3. Tư vấn chuyên môn
Việc này dành cho những người đã làm công việc chuyên môn vài năm và muốn bắt đầu “làm một cái gì đó” cho riêng mình. Có nhiều công việc như vậy: như tư vấn tài chính, kế toán, tư vấn luật, tư vấn công nghệ …
Các kiến thức và kinh nghiệm của bạn trong những năm làm việc sẽ cần cho những người khác, đặc biệt là những chủ doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc các công ty mới bắt đầu hoạt động.
Tư vấn là loại hình dịch vụ mà bạn chỉ cần tốn thời gian để “sản xuất” nhưng lại là một cơ hội nghề nghiệp đáng giá.
4. Làm trung gian mua bán
Ý tưởng về kiểu kinh doanh này rất đơn giản: bạn kết nối với những người có nguồn hàng rồi rao bán các hàng hóa họ đang có để hưởng chênh lệch. Hàng hóa sẽ được chuyển thẳng từ nhà cung cấp/nguồn hàng đến khách hàng (mô hình dropshipping).
Mô hình dropshipping sẽ mang đến lợi nhuận thấp nhưng là lĩnh vực kinh doanh không cần vốn ban đầu, bạn chỉ tập trung cho việc tiếp thị bán hàng.
Sau một thời gian kinh doanh, hiểu hơn về khách hàng và hàng hóa, cùng với số tiền kiếm được, bạn có thể mua hàng về kho của mình rồi bán để tăng lợi nhuận.
5. Tham gia vào mô hình kinh tế chia sẻ
Bạn cũng có thể khởi sự kinh doanh bằng cách tận dụng những cơ hội từ kinh tế chia sẻ. Trở thành tài xế của một dịch vụ gọi xe như Uber, Grab hoặc cho thuê nhà thông qua các nền tảng được tin tưởng như Airbnb…
Sau khi bắt đầu kinh doanh và tích góp được vốn, bạn có sử dụng vốn đã kiếm được để tái đầu tư cho lĩnh vực hiện tại hoặc bắt đầu một lĩnh vực khác mà bạn thích hơn.
Kết luận
Đừng nghĩ làm riêng cho mình thì nhàn hơn. Làm việc gì cũng có cái khó riêng và cần những cố gắng nhất định. Đặc biệt là với việc khởi sự kinh doanh cho riêng mình thì còn cần nỗ lực gấp nhiều lần. Tuy vậy nếu bạn thật sự có khát khao và đủ kỷ luật, bạn sẽ biết cách gạt đi các “lý do” và tìm ra giải pháp, cách làm phù hợp.