10 tiêu chí lựa chọn mặt bằng kinh doanh bán lẻ hiệu quả

Khi kinh doanh bán lẻ thì mặt bằng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tất nhiên, tùy vào từng ngành nghề, lĩnh vực, mô hình kinh doanh và đặc thù ở địa phương mà chúng ta sẽ có các tiêu chí lựa chọn mặt bằng kinh doanh khác nhau. Do đó, SUNO sẽ tổng hợp cho mọi người một bảng tiêu chí chung tổng quan nhất dành cho tất cả những ai đang kinh doanh bán lẻ.

Muốn lựa chọn được mặt bằng kinh doanh lý tưởng thì cần phải biết các tiêu chí sau đây
Muốn lựa chọn được mặt bằng kinh doanh lý tưởng thì cần phải biết các tiêu chí sau đây

1. Vị trí chính là tiêu chí quan trọng đầu tiên khi lựa chọn mặt bằng kinh doanh:

Đầu tiên, bạn cần xác định rõ những đoạn đường cụ thể nào mà bạn đang nhắm đến. Liệu những cung đường đó có mặt bằng phù hợp với cửa hàng của bạn hay không. Các vị trí mà bạn muốn sẽ gần hay xa giao lộ. Bạn có cần mặt bằng phải gần hoặc xa các công trình như chợ, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí … Vị trí quyết định lưu lượng khách hàng và giá thuê, vì vậy phải cân nhắc thật kỹ.

2. Diện tích đóng vai trò quyết định tiếp theo:

Nếu chọn mặt bằng không đủ diện tích thì giá thuê rẻ cũng thua. Vì bạn không đủ không gian trưng bày hàng hóa cũng như thu hút khách hàng. Phải xác định được diện tích và độ rộng mặt bằng tối thiểu là bao nhiêu? Chiều ngang mặt bằng sẽ quyết định độ lớn của bảng hiệu. Nó cũng ảnh hưởng trực tiếp tới mức độ nhận diện và niềm tin của khách hàng.

Một mặt bằng kinh doanh rộng và ngắn thì tốt hơn là hẹp và dài, dù cả hai đều có cùng diện tích. Thông thường khi cho thuê mặt bằng, chủ nhà hay chừa một lối đi bên hông để họ vào nhà sau. Một mẹo nhỏ để bạn tăng diện tiếp xúc với khách hàng là xin phép chủ nhà cho bạn làm bảng hiệu băng qua phía trên lối đi của họ. Như vậy, bạn không phải trả thêm tiền mà vẫn có một cửa hàng trông rất to khi nhìn từ bên ngoài.

3. Luôn phải lưu ý đến Giá thuê khi lựa chọn mặt bằng kinh doanh:

Khi khảo sát thị trường và lập ra kế hoạch kinh doanh bạn đã dự đoán mức doanh thu và chi phí hoạt động của cửa hàng, trong đó, chi phí mặt bằng cũng đã có một mức dự trù nhất định. Giờ bạn hãy mở rộng ngân sách thuê thành một khoảng phí với cận trên và cận dưới.

Một mặt bằng giá cao hơn mức dự trù trên dự toán chưa hẳn không tốt. Vì biết đâu nó lại là cơ hội để bạn có được nhiều khách hàng hơn. Nhưng tuyệt đối đừng ham mặt bằng quá rẻ. Khi đã có hạn mức rõ ràng, hãy kiên quyết nói không với những mặt bằng vượt quá ngân sách.

4. Mức độ nhận biết của mặt bằng kinh doanh:

Mặt bằng dễ nhìn thấy từ xa và dễ gây chú ý cho người đi đường là rất quan trọng. Đừng chọn mặt bằng nằm ở một vị trí khuất hoặc trên một tuyến phố có quá nhiều hàng quán. Vì bạn rất khó làm cho cửa hàng của mình trở nên nổi bật. Ngược lại, đôi khi chọn một vị trí có ít người lưu thông hơn. Nhưng cửa hàng lại nổi bật, ít bị che chắn hoặc ít hàng quán bên cạnh thì vẫn tốt hơn nhiều.

5. Sự thuận tiện của vị trí mặt bằng kinh doanh:

Vị trí bạn chọn có dễ dàng để khách ghé qua. Tiêu chí này liên quan tới một số yếu tố mà bạn cần xem xét kỹ như: tốc độ lưu thông trên đường nhanh hay chậm? khi muốn tấp xe vào lề, khách hàng có gặp nguy hiểm không? đường có dải phân cách cứng không? nếu có dải phân cách, thì khách bên kia đường sẽ qua bên này đường ở chỗ nào, cự ly bao xa?

Nếu khách hàng đi xe gắn máy, vỉa hè có dễ dàng để lái xe lên không? Phía trước có bao nhiêu chỗ để xe cho khách hàng sau khi đã dành chỗ cho xe của nhân viên? Nếu khách đi xe ôtô, đường có cấm đậu, cấm dừng không? Với hàng tá những vấn đề như vậy. Thì bạn cũng tự thấy được phải chọn vị trí sao cho thuận tiện nhất có thể rồi chứ.

6. Thời hạn thuê:

Thời hạn thuê càng dài thì càng thuận lợi cho bạn. Trừ khi chủ mặt bằng yêu cầu cọc nhiều hơn để đổi lấy thời hạn thuê dài hơn. Trong trường hợp đó, bạn sẽ phải cân nhắc và thương lượng để có được thỏa thuận tối ưu. Nhưng thời hạn thuê ít nhất cũng phải gấp đôi thời gian hoàn vốn của bạn.

Ví dụ: bạn dự tính mất 18 tháng để thu hồi lại toàn bộ số vốn đã đầu tư cho cửa hàng thì thời hạn hợp đồng thuê mặt bằng nên từ 3 năm trở lên. Đối với tiêu chí này, hãy cẩn thận với các chủ mặt bằng có nhu cầu bán nhà. Nhiều rủi ro là nếu bán được nhà, chủ mới sẽ không tiếp tục hợp đồng với bạn. Với các mặt bằng như vậy, điều khoản ràng buộc cụ thể trên hợp đồng về mức đền bù khi bán nhà là rất cần thiết.

7. Hiện trạng mặt bằng kinh doanh: 

Bạn cần mặt bằng có sẵn nhà hay muốn thuê đất trống? Có nhà thì giá thuê cao hơn nhưng ít phải đầu tư xây dựng. Ngược lại, thuê đất trống thì giá rẻ hơn nhưng sẽ tốn chi phí đầu tư ban đầu lớn. Trừ khi bạn đã có kinh nghiệm nhất định trong ngành bán lẻ, còn không thì bạn nên bắt đầu với mặt bằng đã có sẵn mọi thứ.

Rủi ro khi bắt đầu kinh doanh thường rất dễ xảy ra. Việc thuê một mặt bằng đã được đầu tư sẵn là một cách đơn giản để hạn chế rủi ro. Ngoài ra, bạn cần lưu ý tính toán kỹ chi phí sửa chữa mặt bằng trước khi quyết định thuê. Nhiều căn nhà có thể đã mục nát hoặc kết cấu không phù hợp với cửa hàng của bạn. Tệ nhất là bạn trả tiền thuê một thứ mà bạn phải đập đi và tốn thêm tiền để xây cái mới.

8. Nên lưu ý đến Hướng nhà (phong thủy) khi lựa chọn mặt bằng kinh doanh:

Đầu tiên, bạn cần tránh các mặt bằng chính Tây có nắng chiếu trực tiếp vào buổi chiều. Đừng xem thường nắng chiều, nó có thể khiến hàng hóa hư hỏng nhanh chóng và cửa hàng thì lúc nào cũng nóng hừng hừng khiến khách hàng nản lòng ghé qua.

Hơn nữa là người Á Đông cũng nên tin phong thủy một chút. Chọn mặt bằng nên tránh các hướng không tốt để sau này trong lúc khó khăn thì không bị “nói ra nói vào” rồi tự nản lòng. Nên xác định rõ từ đầu là mặt bằng hướng nào thì phù hợp với tất cả các tiêu chí trên.

9. Tình trạng Lối đi của mặt bằng kinh doanh: 

Lối đi không quyết định tới hiệu quả kinh doanh nhưng cũng có một chút phiền toái nếu cửa hàng có lối đi chung. Như vậy, cửa hàng rất khó kiểm soát hàng hóa vào buổi tối, khi đã đóng cửa. Bạn sẽ gặp khó khăn khi muốn bàn giao trách nhiệm quản lý tài sản cho nhân viên quản lý.

Trong trường hợp này, nếu bắt buộc phải chọn một mặt bằng như vậy. Bạn có thể gắn camera quan sát có đầu thu để thu lại toàn bộ hình ảnh 24/24. Ngoài ra, bạn có thể thiết kế thêm các tủ kệ có khóa để cuối ngày nhân viên cho toàn bộ hàng hóa vào khu vực này và khóa lại.

10. Thái độ của chủ nhà:

Chọn mặt bằng kinh doanh cũng cần xem xét đến mức độ thiện chí của chủ nhà. Vì họ là một đối tác sẽ gắn bó trong suốt thời gian bạn làm kinh doanh. Mặc dù bạn có thể công chứng hợp đồng thuê và mọi thứ sau đó sẽ giải quyết theo các thỏa thuận “giấy trắng mực đen”. Tuy nhiên, thực tế thì không đơn giản như vậy.

Nếu hai bên “cơm không lành, canh không ngọt” thì bạn sẽ rất khó yên ổn làm ăn. Chẳng hạn, lỡ họ có ý bán mảnh đất mà bạn đang thuê thì sẽ có nhiều rắc rối về sau. Do đó hãy có các điều khoản thỏa thuận đền bù rõ ràng. Cũng cần lưu ý khi chủ nhà quá khó chịu, hay xét nét về tiền bạc. Khi đó bạn phải cẩn thận với các điều khoản thỏa thuận trong hợp đồng. Nhất là về việc cải tạo mặt bằng và lộ trình tăng giá thuê.

Nếu được thì bạn nên cố gắng tạo mối quan hệ tốt, được lòng chủ nhà. Đôi ki điều này quan trọng không kém so với các điều khoản ký kết hợp đồng. Bạn có thể thường xuyên trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe và biếu quà cáp. Khi họ yêu mến bạn, mọi vấn đề rắc rối phát sinh đều được giải quyết nhẹ nhàng, êm đẹp hơn.

Từ khóa:

Bài Trước

Bài Tiếp Theo

Khởi nghiệp:

Looking for 

Retirement Advice?

FREE

Tải MIỄN PHÍ ebook cẩm nang

quản lý kho, hàng hoá hiệu quả